Tóm tắt “Làm người thú vị” – Edward de Bono
Bạn đã quá nhàm chán với những câu chuyện “nhạt như nước ốc”? Bạn muốn trở thành một người thú vị, một “vựa muối” trong mọi cuộc trò chuyện? Chắc hẳn ai trong chúng ta đều mong muốn mình có khả năng ăn nói thật thu hút. Không chỉ khiến cho cuộc sống thêm nhiều phần màu sắc và sự vui vẻ, cách trò chuyện khéo léo và hài hước sẽ giúp bạn rất nhiều trong công việc cũng như các mối quan hệ. Tuy nhiên, điều trớ trêu là không phải ai sinh ra cũng có sẵn trong người thiên khiếu “nói chuyện như hát hay”, thậm chí một số người còn thảm hại đến mức được mệnh danh là “kẻ giết chết mọi câu chuyện” khi mà hễ hắn mở miệng thì mọi thứ đi vào bế tắc. Tin vui cho chúng ta là điều này hoàn toàn có thể thay đổi khi nắm giữ được phương pháp. Đúng vậy, sự thú vị có thể rèn luyện và cuốn sách Làm người thú vị (How to be more interesting) của Edward de Bono sẽ giúp bạn “rắc muối” cho mọi cuộc nói chuyện.
Tôi khá ấn tượng với câu nói được in ngay bìa cuốn sách:
Change how you see yourself, and how the world sees you (Thay đổi cách bạn nhìn về bản thân, và cách thế giới nhìn nhận bạn)
Có thể đây cũng chính là mục tiêu, là châm ngôn của tác giả khi viết cuốn sách. Sự thú vị không chỉ đơn giản là thú tiêu khiển cho cuộc sống. Nó còn khiến bạn mở ra nhiều góc nhìn khác về chính bản thân và những điều xung quanh. Một khi bạn trở nên thú vị, những người xung quanh cũng sẽ nhìn nhận bạn theo nhiều cách khác. Thông qua hơn 70 bài tập giúp bạn mang sự hài hước, hiểu biết và sự ngạc nhiên đến với các tình huống đời thường, cuốn sách này đảm bảo mọi người không chỉ thích thú với sự đồng hành của bạn mà còn không thể quên được bạn.
Trước khi bước vào khám phá cuốn sách, tôi có lời khuyên rằng bạn hãy bình tĩnh. Bởi vì chắc chắn nó sẽ làm bạn cực kì ngạc nhiên và đầy thử thách đấy nhé! Vốn dĩ tôi nói vậy bởi vì để trở thành một người thú vị không phải điều dễ dàng (thế nên chúng ta hầu như toàn gặp những người ít thú vị) và sẽ phải đối mặt với những thứ khá mới lạ, so với những gì bạn từng biết. Nó cũng chính là sự ngẫu hứng của tác giả, đúng hơn, là mục đích của cuốn sách.
Nếu bạn nghĩ mình đã tỏ tường tất cả, thì giá trị của cuốn sách này chính là ở chỗ nó giúp bạn hiểu rõ hơn sự thông thái của mình.
Cuốn sách có 5 phần và những trang sách đầy lôi cuốn đang chờ người đọc thưởng thức.
Phần 1. Dẫn nhập.
Phần này là sự gợi mở của tác giả dành cho người đọc, người người bỡ ngỡ bước vào thế giới mới lạ của tâm trí. Do vậy, nó hoàn toàn dễ tiếp thu và khá thu hút. Tác giả đã đưa ra những lí do khiến bạn buộc bản thân phải học hỏi được sự thú vị.
Mặt đẹp mà đầu óc tẻ nhạt thì tẻ nhạt, tẻ nhạt, cực kỳ tẻ nhạt.
Thân hình đẹp mà đầu óc tẻ nhạt thì tẻ nhạt, tẻ nhạt, cực kỳ tẻ nhạt.
Người cân đối và khỏe mạnh mà đầu óc tẻ nhạt thì tẻ nhạt, tẻ nhạt, cực kỳ tẻ nhạt.
Một đầu óc khôn ngoan cũng có thể tẻ nhạt, tẻ nhạt, cực kỳ tẻ nhạt.
Tôi biết nhiều người đẹp song lại vô cùng tẻ nhạt. Nhưng tôi biết chắc trên đời không thiếu những người vừa đẹp vừa thú vị.
Người ta thường đầu tư không biết bao nhiêu thời gian, gặp biết bao rắc rối, bỏ biết bao quan tâm, lo lắng và tiền của để giữ gìn sắc đẹp hoặc tân trang nhan sắc. Nhưng họ đã dành bao nhiêu thời gian để trở thành con người thú vị hơn?
Bạn trở nên thú vị vì không muốn một cuộc sống tẻ nhạt. Chúng ta thường nghe câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” và như một lẽ tất yếu, chẳng ai muốn một tâm hồn rỗng tuếch cả. Có thể bạn không biết, vẻ đẹp đôi khi nằm chính ở sự sống động. Không ai muốn một cô nương xinh đẹp nhưng vẻ đẹp hiu hắt, thiếu sức sống cả. Thậm chí những người thông minh cũng tẻ nhạt. Trí tuệ và sự thú vị cũng có điểm không tương giao. Tuy nhiên, cuốn sách không buộc bạn phải đi theo một hình mẫu của người thú vị. Bởi vì nó sẵn có ở trong chính con người bạn. Sự thú vị không có khuôn mẫu, cũng không có giới hạn.
Tôi muốn nói rõ thêm một lần nữa rằng cuốn sách này không viết về các mẫu người thú vị. Nếu bạn muốn trở thành người thú vị bằng cách đi bộ băng qua sa mạc Sahara cùng hai chú lạc đà thì tùy bạn. Tôi chẳng có gì để nói thêm. Nếu bạn muốn trở nên thú vị bằng cách yêu một kẻ giết người hàng loạt, thì cũng tùy bạn thôi. Những công việc thú vị, những kỳ tích thú vị, và những trải nghiệm thú vị, tất cả đều có thể khiến một người trở nên thú vị hơn. Nhưng ta cũng có thể trở thành người thú vị khi làm một công việc bình thường và sống ở một khu ngoại ô bình thường. Và đó chính là nội dung của cuốn sách này.
Sau những lời mở đầu, tác giả sẽ giới thiệu cho các bạn “Sân chơi tâm trí” – nơi mà tâm trí là sân chơi, là khu vườn tùy ý bạn xây dựng và đạo diễn. Phần này sẽ có những bài tập nhỏ kèm theo để người đọc làm quen và thực hành với thói quen tư duy. Tất nhiên sẽ có thêm phần gợi ý, không phải là đáp án. Bởi vì bạn hoàn toàn có thể phát huy tối đa trí tưởng tượng của mình. Nên nhớ, với cuốn sách này thì thực hành là một phần quan trọng, như chính tác giả đã nói:
Nếu không thực hành các bài tập này, bạn sẽ chỉ nhận được một nửa giá trị cuốn sách.
Phần 2. Quá trình hoạt động cơ bản của sự thú vị.
Để đạt được bất cứ hiệu quả của công việc nào đi chăng nữa thì bạn vẫn sẽ cần phải hiểu rõ về cơ chế hoạt động cũng như những nền tảng cơ bản của nó. Tất nhiên, quá trình để trở thành người thú vị cũng sẽ có những quá trình rèn luyện của nó.
Trong cuốn sách, tác giả đã liệt kê ra tất cả 9 điều.
– Khả năng: khai mở và khám phá các khả năng trong tâm trí. Vượt ra khỏi những điều ngay trước mắt.
– Phương án thay thế: chú tâm tạo ra các phương án thay thế. Giải thích, hành động,… theo những cách khác nhau.
– Khái niệm: Sự quan trọng cơ bản của các khái niệm đối với toàn bộ quá trình tư duy. Quá trình rút ra khái niệm là nguồn tạo nên sự thú vị.
– Hình dung trước: hình dung, tưởng tượng và phóng chiếu. Khám phá tương lai.
– Kết nối và liên kết: nỗ lực tạo ra các kết nối và liên kết các vấn đề khác nhau. Kỹ năng kết nối mọi thứ sẽ mở rộng phạm vi quan tâm.
– Sự khơi gợi: sự khơi gợi là nền tảng của sự sáng tạo, mở ra những luồng suy nghĩ mới.
– Điều hướng sự chú ý: quá trình này tạo nên vũ điệu chú ý vốn là tâm điểm tạo nên sự thú vị.
– Ngõ ngách, đại lộ và chủ đề: làm thế nào chúng ta nhận ra chúng? Tại sao ta lựa chọn chúng? Các chủ đề chính là những lĩnh vực rất rộng để thu hút sự chú ý.
– Làm sáng tỏ, liệt kê và tổng kết: nhu cầu trình bày mọi thứ đơn giản và truyền đạt thông tin một cách rõ ràng.
Như vậy, quá trình của sự sáng tạo diễn ra khá phức tạp. Mỗi phần đều được tác giả lập luận chặt chẽ cùng những ví dụ sinh động. Bên cạnh đó, phần bài tập luôn được trang bị đầy đủ để chúng ta có thể áp dụng được luôn. Những bí quyết cũng thường kèm theo để người đọc dễ dàng ghi nhớ.
Kỹ năng cao cấp trong quá trình tạo sự “thú vị” cũng bao gồm cả vũ điệu của sự chú tâm. Bạn phải cảm được khi nào thì di chuyển, khi nào cần đi sâu vào chi tiết và khi nào thì xử lý những khái niệm khái quát, khi nào có thể suy đoán dựa trên một mối liên hệ và khi nào cần dừng ở cấp độ gợi ý. Điệu nhảy sống động của sự thú vị hoàn toàn khác một cuộc diễu hành phô trương của sự nhàm chán.
Phần 3. Động lực tạo nên sự thú vị.
Sau khi nắm được những chặng đường cơ bản thì chúng ta cần có chất xúc tác để nhanh về đích hơn và hiệu suất học hỏi tăng cao hơn. Chính vì thế, tác giả đã đưa ra những yếu tố khiến sự thú vị được tạo ra thật tích cực.
– Cảm giác: cảm giác của con người rất đa dạng. Sự thú vị thường tìm ra cách để tạo các cảm giác.
– Tính liên quan: một điều nào đó có thể trở nên thú vị ngay khi người ta thấy nó có liên quan.
– Các mối quan tâm: có một vài động lực cơ bản thuộc nhóm “những mối quan tâm cơ bản của con người” như tình dục, tiền bạc, sự phân loại,…
– Cảm xúc: đó là những cảm xúc mạnh mẽ. Chúng có thể đơn giản hoặc phức tạp.
– Humene: đây là một từ mới để chỉ yếu tố khơi gợi sự thú vị bắt nguồn từ những hành vi tâm lý trong tâm trí con người, như khiếu hài hước, sự ngạc nhiên,… Đây là kiểu thú vị rất hiệu quả nhưng không cần bao hàm tính liên quan và cảm giác.
– Sức quyến rũ: Đây là một hình thức thú vị rất mạnh. Kiểu thú vị được khuấy động bởi những chương trình truyền hình về thế giới hoang dã. Một thứ gì đó có thể hấp dẫn theo cách riêng của nó. Tầm quan trọng của sự hiếu kỳ,
– Kiến thức và những câu chuyện: phần nội dung của sự thú vị. Thông tin và những trải nghiệm. Những câu chuyện được kể trực tiếp hoặc gián tiếp. Những thành phần làm nên sự thú vị nhưng khác với những hành động tạo sự thú vị.
Như chúng ta có thể thấy, có tất cả 7 động lực cho sự thú vị bao gồm cả sự tự nhiên của sự vật theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” lẫn việc chúng ta cần tư duy để tạo ra chúng. Các động lực vừa được tạo ra bởi hành động, cũng có thể là nội dung trong giao tiếp. Vẫn là những bài tập kèm theo cùng những minh họa hấp dẫn, nội dung tỉ mỉ, chắc chắn sẽ không làm người đọc thất vọng vì tính ứng dụng của nó.
Phần 4. Tương tác.
Trong phần này, tác giả đưa ra bốn vấn đề liên quan đến tương tác.
– Thảo luận: thảo luận và đối thoại. Tương tác với người khác. Sử dụng “những thao tác cơ bản tạo sự thú vị” để cuộc thảo luận thú vị hơn.
– Sự đồng tình: giá trị và cách sử dụng sự đồng tình. Những cách đồng tình. Phát triển và xây dựng sự đồng tình dựa trên các ý tưởng. Đồng tình toàn bộ và đồng tình một phần.
– Sự bất đồng: những nguy cơ từ sự phủ nhận. Những bất đồng do sự vị kỷ gây ra. Sai lầm cơ bản trong lối tư duy phương Tây. Lợi ích của tư duy song song. Sử dụng Sáu chiếc nón tư duy trong thảo luận. Thiết kế con đường phát triển.
– Sự tẻ nhạt: những bước chuyển và thay đổi trong cuộc trò chuyện. Cách sử dụng và rủi ro từ sự ngắt lời. Những điều khiến người khác chệch hướng suy nghĩ.
Sau khi có đầy đủ những lý thuyết về sự thú vị, chúng ta dần tiến sâu hơn vào những vấn đề thực tế. Những khó khăn cũng như cách giải quyết những khúc mắc trong giao tiếp. Thậm chí còn chỉ ra những nguyên nhân của các vấn đề.
Không phải những người tẻ nhạt không bận tâm đến người đang lắng nghe họ nói. Họ chỉ đơn giản là không nhạy cảm với những phản ứng của người nghe và không hề nghĩ điều họ nói có thể thật đáng chán.
Phần 5. Tổng kết.
Đây là chương cuối cùng, đồng nghĩa với việc hành trình của sự thú vị đến lúc kết thúc. Cuốn sách đóng lại với hy vọng bạn sẽ có thể áp dụng những kiến thức bổ ích để trở nên thú vị hơn, với chính mình và cả trong mắt người khác.
Làm người thú vị có nghĩa là bạn thú vị với chính mình và với cả những người khác nữa. Cuộc sống trở nên thú vị hơn. Người khác cũng trở nên thú vị hơn.
Cuốn sách này không viết về cách trở thành một người nói chuyện khôn khéo. Điều đó khác với việc trở nên thú vị. Một số người nói chuyện khéo léo không thú vị chút nào. Nhưng nếu bạn vốn dĩ là người thú vị, thì khi đó cuộc nói chuyện của bạn có thể sẽ trở nên thú vị.
Cuốn sách này không chỉ cho chúng ta thêm một kĩ năng mới mà còn có thể thay đổi cách tư duy. Bạn làm bất cứ nghề gì cũng vậy, một đầu bếp hay một người giáo viên thì sự thú vị vẫn sẽ đem lại lợi ích. Chính vì lẽ đó, tôi nghĩ cuốn sách sẽ tạo thêm thật nhiều hương vị cho cuộc sống của chúng ta để mỗi ngày trôi qua, chúng ta sẽ lại mới mẻ và thú vị hơn ngày hôm qua.
Recommended Posts
Tóm tắt “Khi bạn đang mơ thì người khác đang nỗ lực” – Vĩ Nhân
30 Tháng Mười Hai, 2020
Tóm tắt “Đừng lựa chọn an nhàn khi còn trẻ” – Cảnh Thiên
30 Tháng Mười Hai, 2020
Tóm tắt “Những quyết định thay đổi cuộc sống” – Spencer Johnson
21 Tháng Mười Hai, 2020